Yêu cầu đăng nhập
Bạn cần đăng nhập để xem mục này
Đăng nhập18/12/2021
Điểm số có ý nghĩa quan trọng đối với phụ huynh?
Thực tế là phần lớn cha mẹ đều coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của trẻ. Chỉ có một số ít người hiểu rằng, điểm số chỉ là một yếu tố tham khảo, điểm số cao hay thấp không hoàn toàn phản ánh được chính xác năng lực học tập của trẻ.
Tuy nhiên, trong thời đại mà sự cạnh tranh về điểm số ngày càng khốc liệt như hiện nay, thì điểm cao hay thấp lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định trẻ có được lên lớp, thăng chức hay không… Và như vậy, điểm số nghiễm nhiên trở thành mục đích, mục tiêu duy nhất để cha mẹ và con cái cùng theo đuổi.
Không chỉ vậy, còn có rất nhiều bậc cha mẹ lấy điểm số để làm điều kiện cho những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con cái, rồi bắt con phải học tập vì chính điểm số đó. Kết quả là sự phát triển tâm lý và thể trạng của trẻ bị ảnh hưởng.
Có những bậc cha mẹ còn xem thành tích học tập như một tiêu chuẩn chủ yếu, thậm chí là duy nhất để đánh giá trẻ.
Họ vô cùng nhạy cảm với sự cao – thấp của điểm số. Nếu con được điểm 9, điểm 10 thì vui mừng phấn khởi, lập tức khen ngợi, có khi còn dùng cả tiền để làm phần thưởng. Còn nếu con bị điểm thấp không đúng theo nguyện vọng của mình thì bắt đầu giận dữ, la mắng, quát nạt, đến nỗi con trẻ phải run rẩy lên vì sợ hãi.
Trẻ em rất nhạy cảm, nếu cha mẹ quá quan tâm đến điểm số, chúng sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số.
Nếu cha mẹ còn la mắng, giận dữ sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của các con, ảnh hưởng tới sự tự tin và lòng nhiệt tình đối với việc học tập của trẻ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho việc tự học của con.
Những lợi ích không thể bàn cãi của điểm số
Một trong những luận điểm được đưa ra từ phần lớn phụ huynh học sinh chính là: Điểm số đặt ra cho ta một mục tiêu để phấn đấu.
Việc này giúp cho chuyện học tập của học sinh bớt trì trệ vì suy cho cùng, chuyện học cũng gần giống chuyện làm bất kỳ công việc gì khác trong đời, phải có mục tiêu rõ ràng và hướng nhìn nhận tỉnh táo mới có thể phát triển hết khả năng và năng lực của bản thân.
Điểm số cũng giúp chúng ta tạo được sự công bằng nhất định giữa học sinh.
Nếu như không có điểm số, những học sinh cố gắng học tập và những ai chưa thực sự cố gắng sẽ không khác nhau là bao, và nó có thể gây nên tâm lý chán nản, không được thừa nhận ở những người dành nhiều tâm huyết cho việc học hành.
Và suy cho cùng, nếu không được đánh giá bằng điểm số, liệu trẻ có còn thấy hứng thú và quyết tâm trong chuyện học hành? Điểm số cũng đóng vai trò sàng lọc học sinh giỏi và học sinh chưa giỏi để các thầy cô có thể kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ và để các bạn thay đổi phương pháp học tập mới thật đúng đắn.
Điểm số có phải là một con dao hai lưỡi?
Mọi vấn đề đều có hai mặt của nó và điểm số không nằm ngoài quy luật này. Việc quá coi trọng điểm số có thể vô hình chung tạo áp lực lên con trẻ.
Dẫu sao, các bậc cha mẹ làm vậy đều xuất phát từ sự quan tâm và tình thương dành cho con, nhưng sự quan tâm thái quá mà bị đặt sai chỗ đều gây phản tác dụng và khiến việc học dần biến thành gánh nặng hằng ngày chứ không còn là niềm vui nữa. Về lâu dài, những áp lực ấy có thể tích tụ dần dần lại và biến thành stress và nghiêm trọng hơn nữa là trầm cảm.
Giống như ông cha ta vẫn nói “Học tài thi phận”, điểm số không thực sự quyết định sự phấn đấu, cố gắng ở mỗi người, mà nó chỉ là một thước đo mang tính tương đối để chúng ta tham khảo.
Với thực trạng chạy đua thành tích không thể phủ nhận ở một số nơi như hiện nay, việc quá chú trọng đầu vào (điểm số) mà bỏ qua đầu ra có thể bóp méo ý nghĩa thật sự của việc học: Học để lấy kiến thức, để trang bị kĩ năng trước khi ra ngoài xã hội chứ không phải học chỉ để lấy một tầm bằng đẹp đẽ đem về đóng khung lồng kính treo trên tường mà quên đi năng lực thực tế của mỗi cá nhân.
Vậy, điểm số quan trọng hay không quan trọng?
Trong xã hội hiện nay thực tế không thể phủ nhận rằng điểm số cũng quan trọng. Nó giúp phân loại và đánh giá học sinh và giúp trẻ có hứng thú học hành. Nhưng khi chúng ta quá coi trọng nó thì lúc ấy điểm số sẽ trở nên tiêu cực và không tốt.
Nhiều học sinh vì áp lực điểm số, thành tích để làm hài lòng cha mẹ, thầy cô mà nhiều em rơi và trạng thái lo sợ, căng thẳng, chán nản, sợ thất bại và có thể buông mình bất cứ lúc nào. Vấn đề trầm cảm ở học sinh cũng được được nhiều chuyên gia, nghiên cứu chỉ ra ở mức đáng sợ.
Những lời ca tụng từ bố mẹ, mọi người làm các em bị áp lực rất lớn, không dám ngừng lại, luôn phải gồng mình lên. Điều này làm nên sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ mà nhiều em không vượt qua được.
Có những học sinh có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng nhưng kết cục lại rất bi thảm, có em chọn cái chết khi không thể chịu nổi áp lực...
Có rất nhiều những bàn cãi, quan điểm xoay quanh chuyện điểm số, nhưng điều chúng ta cần quan tâm nhất không phải là điểm số có quan trọng hay không, mà liệu mỗi chúng ta có đủ tỉnh táo trong việc nhìn nhận điểm số, thành tích của con trẻ một cách đúng đắn nhất để không gây áp lực quá lớn cho con giúp con học tập và phát triển theo đúng sở trường của mình.
Càng ngày, chúng ta càng nhận ra được một thực tế rằng, điểm số không còn là công cụ để đo lường giá trị của một con người trong xã hội. Vậy nên, các bậc cha mẹ đừng nên để điểm số trở thành cái kiềng trói buộc con cái mình. Mục đích của chúng ta khi cho trẻ đến trường học hoàn toàn không phải là để lấy được điểm cao mà là để có được kiến thức thực tế, học cách tạo dựng các mối quan hệ, học cách làm người. Chỉ khi điểm số không còn là áp lực nữa thì trẻ em mới vui vẻ đến trường và trưởng thành khỏe mạnh.
Spencer Johnson, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ cũng từng nói rằng: “Là người làm cha mẹ, tuyệt đối không nên quá xem trọng điểm số thi cử của con mà nên chú ý đến việc bồi dưỡng phương pháp học tập và khả năng tư duy của trẻ. Tuyệt đối không nên chỉ dựa vào điểm số mà phán đoán ưu điểm của trẻ, càng không nên khiến trẻ vì việc này mà hình thành nên quan điểm về danh dự và nhục nhã”.